Khi không bằng lòng, bực tức về 1 vấn đề gì của người khác, nhiều người trong chúng ta thường có thói quen chê bai, đem những khuyết điểm của người đó trong quá khứ ra để chỉ trích, ít ai chịu khó đặt mình vào vị trí của người đó để hiểu được nguyên nhân vì sao họ xử sự như vậy.
Thay vì trò chuyện trao đổi thân tình, 1 số người trong chúng ta có tính khí nóng nảy thường có thói quen cắt ngang lời người khác đang nói mà không bao giờ để ý đến cảm giác của người kia như thế nào. Có người thô lỗ tung ra những từ ngữ kém nhã nhặn làm cho mối quan hệ giữa 2 người trở nên tồi tệ. Rốt cuộc cả 2 đều không tìm ra phương cách giải quyết vấn đề gì cả.
Người thật tâm muốn khuyên bảo người khác phải cần hiểu rằng mục đích sau cùng của buổi trao đổi góp ý là gì ?. Là phải tìm ra cách giải quyết vấn đề, chớ không phải mạnh ai nấy nói sao cho thỏa chí tang bồng, rồi sau đó mọi việc vẫn như cũ không cải thiện được gì cả.
Trong gia đình, vì thiếu sự lắng nghe, thông cảm và chia sẻ cho nhau nên giữa anh chị em xảy ra những xung đột, mối bất hòa, không muốn gặp mặt nhau, vì thế không khí gia đình trở nên ngột ngạt, mất vui. Có người mắc phải bệnh trầm cảm do gây gổ trong gia đình, do bị đối xử không công bằng hoặc do nhu cầu bản thân không được đáp ứng. Đôi khi những bức xúc của một thành viên nào đó trong gia đình chỉ cần được người thân của mình lắng nghe cho là có thể giải tỏa được tất cả. Phải biết tôn trọng lẫn nhau và không nên xâm phạm vào không gian cá nhân của người thân cho dù người đó là em, nhỏ tuổi hơn mình.
Không ai trong chúng ta là hoàn hảo, ai cũng có những khiếm khuyết của riêng mình. Do đó, hãy tập cho mình thói quen nhìn nhận lại bản thân trước khi đưa ra ý kiến chê bai người khác. Hãy đặt mình vào vị trí của người đó để hiểu được nguyên nhân mà có được góp ý chính xác.Đừng vội cho rằng mình hoàn hảo. Có ở trong chăn mới biết chăn có rận.
Khi còn trẻ, bất kỳ ai cũng có những sai lầm khi nóng nảy mất tự chủ. Nếu quá cố chấp, chỉ nhìn vào khiếm khuyết rất khó để chúng ta có thể trở thành người bao dung và rộng lượng. Nhỏ nhen và ích kỷ sẽ khiến cho chúng ta trở nên “xấu xí” trong mắt mọi người chung quanh..
Nếu ai đó vô tình hay cố ý làm 1 việc gì đó gây cho mình những tổn thương và đau khổ. Thay vì nói những lời độc ác cho hã giận, hãy góp ý nhẹ nhàng và giải thích cho họ hiểu những sai lầm của họ. Hãy tha thứ cho họ đi, cho họ cơ hội để sửa sai. Có như vậy chúng ta sẽ cảm thấy thanh thản trong tâm hồn và cao thượng hơn. Bởi vì nhưng dằn vặt người khác cũng là dằn vặt chính bản thân mình.
Hãy cố gắng học cách kiểm soát hành vi và lời nói của mình. Hãy học cách nhìn mọi việc từ nhiều khía cạnh, có như thế chúng ta mới nhìn nhận mọi việc khách quan hơn. Một lời nói bất cẩn có thể gây ra mối bất hòa. Một lời nói cay nghiệt có thể làm hỏng cả một cuộc đời. Một lời nói đúng lúc có thể giải tỏa sự căng thẳng. Một lời yêu thương có thể hòa giải mọi bất hòa.
Vì vậy, đừng bao giờ vội vàng chê bai hay chỉ trích một ai đó. Hãy lắng nghe một cách chân thành để thấu hiểu những gì người khác muốn bày tỏ, trước khi phát biểu ý kiến của mình.
Vài câu danh ngôn về cư xử đáng tham khảo:
“Đừng bao giờ khuyên răn ai giữa đám đông.” – Tục ngữ A rập
“Một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn im lặng.” – Stephen Gosson
“Khi tức giận thì hãy đếm 10 trước khi nói, còn khi nổi cơn thịnh nộ thì hãy đếm đến 100.” – Jeffecson
“Muốn điều khiển phải biết người. Muốn biết người phải hiểu mình trước đã.” – Đitơcuppơ
“Nếu có hai người cùng sống với nhau hòa thuận nên tin trong đó ít nhất một người tốt.” – Ngạn ngữ Angiêri
Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu ta dành cho người khác dù chỉ một chút thông cảm mà ta vẫn thường dành cho ta.
-Theo internet-
0 comments:
Post a Comment